Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Hà nội, mùa sấu và tôi

Với nhiều người Hà Nội, hàng sấu là một phần tuổi thơ không thể nào quên với những ngày đi chọc sấu hay xin tiền mẹ để ăn một cốc sấu đá chua chua, ngọt ngọt, mát lạnh .. hay ăn hàng quà vặt món sấu chín…. mắt cứ hau háu khi nhìn thấy cô bán hàng dùng con dao nhỏ như dao cau, gọt lớp vỏ mỏng tang, rồi khéo léo cắt một đường hình xoáy ốc bày lên đĩa. Sấu chín vàng ươm, mùi thơm nhẹ, vị ngọt dịu, mà trong cái ngọt vẫn còn sót lại một chút chua dôn dốt…. xuýt xoa đầu lưỡi.

Tháng tư chớm hạ, những buổi sáng đến sớm với làn hơi mát lạnh và bầu trời trong trẻo khiến người ta muốn bay lên, là mùa sấu lên lá. Lá non xanh như ngọc, sáng bóng như được quét một lớp dầu. Tháng này có ve rồi, buổi chiều đi làm về thấy ve kêu u u trên đường sấu. Lá sấu non cuộn lại cho một tí xíu muối hạt bên trong là món “trầu” trong những trò chơi ngày bé, đứa nào đứa nấy ăn đầy một bụng “trầu” rồi đến trưa về trệu trạo nhai cơm mới biết là ăn chua nhiều quá nên răng bị ê. Tháng tư hoa sấu cũng bắt đầu nở. Mỗi bông hoa như một hạt gạo nếp với cái bầu bụ bẫm và năm cánh bé xíu. Hoa sấu nở rộ khiến không gian cũng mang mùi thơm chua man mác. Qua một đêm, hoa rụng đầy đường, đầy vỉa hè như có ai gánh gạo nếp đi qua, vừa đi vừa rắc làm dấu.

_htv0139

Khi những ngày nắng bắt đầu chuyển sang oi ả đón những cơn bão tháng bảy gọi gió về trong tán cây là mùa sấu rộ. Sấu được dùng để đánh giấm nước rau muống luộc, kho cá. Ngày đó đường quý như vàng, chẳng ai dám nghĩ tới món sấu ngâm đường nên hễ nhặt được nhiều sấu rụng, mẹ đem xắt nhỏ phơi vài nắng cho khô. Sấu khô có mùi ngai ngái, đựng trong bịch nilông dành kho cá hoặc nấu canh chua. Nếu trời không nắng thì mẹ làm món tương sấu. Sấu đem luộc chín, để vào rổ tre sạch, chà lấy cơm rồi lọc lại nấu với thật nhiều muối, để nguội, cất vào chai thủy tinh dùng cho đến mùa sấu sang năm. Tương sấu có vị chua, đến mùa đông đem kho với cá dậy lên mùi thơm ấm áp, quyến rũ.

Mùa sấu, bữa cơm có thêm món canh sấu non nấu với sườn hay thịt nạc, hay bát nước rau muống dầm sấu. Rau muống luộc, bỏ vài trái sấu đã cạo sạch vào đánh giấm sẽ có một bát nước rau chua dịu. Món canh sấu nấu cũng đơn giản. Thịt nạc dăm băm nhỏ hoặc sườn non đem ninh với nước, nêm vừa ăn, hớt bọt cho nước trong, đến khi chín thì bỏ sấu đã cạo vỏ, khía theo hình xoáy ốc vào. Đun thêm vài phút cho sấu chín, bắc ra cho thêm hành hoa. Cái ngon của món canh nằm trong vị ngọt thanh của thịt nạc, vị chua dịu của sấu và màu xanh mướt của hành hoa. Có người xào thịt, sườn với chút hành khô, rồi đổ nước vào đun sôi, như thế ăn đằm hơn nhưng cũng bớt thanh hơn. Mùa sấu trong thực đơn đồ uống có thêm nước sấu, pha từ sấu ngâm với đường và gừng. Sấu ngâm đơn giản, nhưng mỗi người lại có một bí quyết riêng. Sấu chọn trái già, tròn mình, cạo sạch, lấy dao khía theo hình xoáy ốc, sau đó đem ngâm với nước đun sôi để nguội có hòa thêm muối và phèn chua. Đường, nhiều người thích dùng loại đường hoa mai hơi vàng để tạo màu vàng cho sấu, đun với gừng giã nhỏ, để nguội. Cho sấu và gừng tươi thái chỉ vào ngâm trong nước đường, để vài giờ là có thể dùng được. Nước sấu uống lạnh, có vị chua ngọt thanh mát, thơm mùi sấu và mùi gừng.

Mình sinh vào đúng tháng sấu lúc lỉu trên cây nên khi còn bé mỗi khi đến dịp sinh nhật của mình là mình chỉ mong sao trời bão để cùng thằng bạn đi nhặt sấu rụng về để mẹ làm món vịt om sấu. Thế mà đúng thật, bão về .. chỉ sau một đêm bão là sấu rụng đầy sân, trẻ con và người lớn thi nhau dậy thật sớm mà nhặt sấu. Mình thì cặm cụi nhặt thật nhiều mang về cho mẹ làm món vịt om sấu chiêu đãi bạn bè. Thế đó là đã mấy chục năm, tuổi thơ đã đi qua êm đềm như thế, giờ đây khi mình đã chồng con đề huề, cuộc sống thay đổi khi thèm ăn sấu thì chỉ ào ra chợ (nếu đúng mùa) hoặc ra siêu thị (nếu hết mùa) là ổn nên mình không còn nhớ đến cái cảm giác háo hức nhặt sấu về tổ chức sinh nhật nữa .. thế mà .. với mẹ .. mẹ chưa bao giờ quên như mình … đến ngày con gái của mẹ .. lại hì hụi đi chợ làm món vịt om sấu nhân ngày con gái mẹ tròn tuổi mới và nhắn nhủ “tối nhớ về nghe con”.


Post ảnh để thân chào tuổi mới nào, chào tuổi mới với năng lượng tràn đầy nào ..



IMG_4746



IMG_4649



Hai con gái đáng yêu này



IMG_0402

IMG_0403

IMG_0395

IMG_0637

IMG_0638



IMG_0641

IMG_0645

IMG_0643

IMG_0651





IMG_0649


Nghé xí xọn này



IMG_0379



IMG_0375

IMG_0384

IMG_0382

IMG_0378






cats


---- *** -----


Tối hôm qua, trong lúc không ngủ được, có mớ sấu tươi mẹ mua cho hồi chiều, thế là cặm cụi làm món sấu ngâm đường cho lũ trẻ và ba chúng thưởng thức .. vừa làm vừa thấm cái cảm giác mẹ làm cho mình thưởng thức … rồi mình lại làm cho con gái thưởng thức .. dạo này tâm trạng nên đâm ra lẩn thẩn thật … Nhân tiện chia sẻ bí bí quyết để có lọ sấu vẫn giòn, thơm ngon cũng rất đơn giản.

Ước chừng sấu 1kg cần 1kg đường (nên chọn đường hoa mai để nước ngâm có màu vàng óng hấp dẫn), gừng già 100g, một ít muối


12_13_1339637012_3_1339634077-chosaudaumua-bep-eva

Sấu gọt vỏ, khía làm tư hoặc nếu khéo tay có thể cắt khía theo hình
xoắn ốc. Khía xong quả nào thì ngâm luôn quả đó vào chậu nước có pha
muối loãng để sấu khỏi thâm.



11050afamily-AN-Ngam-sau

Rửa sạch sấu khoảng 2 lần nữa với nước pha muối cho bớt chát và hết nhớt.
Đun nước sôi + một chút muối để chần sấu. Với 1kg sấu nên chia để chần làm nhiều lần cho đều. Và chỉ chần đến khi sấu dần chuyển sang màu vàng là vớt ra gay.
Gừng rửa sạch nướng qua cho thơm.
Hòa tan 1kg đường với 1 lít nước, đun kĩ đến khi nước đường hơi sánh. Riêng khâu này, bạn không nên đun qua loa, nếu không sau khi ngâm nước sấu dễ nổi váng.

Cho gừng nướng vào đun cùng. Để một lúc thì tắt bếp, đặt nơi thoáng mát cho nước đường nhanh nguội.
Khi nước đường thật nguội thì trút vào lọ đã xếp sẵn sấu. Thường để sau 5 tiếng là có thể ăn được, nhưng muốn quả sấu ngấm đường có vị ngọt thì nên dùng sau 24h.
Nếu sợ ngọt, bạn có thể giảm lượng đường, còn khoảng 800g cho 1kg sấu, tuy nhiên, không nên bớt đường nhiều, vì nếu ít đường quá lọ sấu ngâm cũng không để lâu được.

Và còn chần chừ gì nữa nhỉ .. cho vào cốc + đá ... uống thôi

5910269097_4410357195