Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Yêu lắm … loa kèn ơi!

Sau một ngày nắng chói chang oi ả, tiếng mưa đêm rả rích như an ủi vỗ về, để rồi sáng tỉnh giấc, bước ra đường chợt ngơ ngẩn, dưới mặt đường lấp loáng, bầu trời vẫn trong xanh lạ! Và hoa loa kèn bỗng đâu ùa về khắp mọi ngả đường, duyên dáng khép mình sau những giỏ hoa rung rinh theo nhịp xe chầm chậm trên phố, khiến ai cũng phải ngẩn ngơ vì cái màu trắng tinh khôi và hương thơm thoang thoảng thanh khiết!





Loa kèn còn một cái tên nữa là Huệ tây nhưng dường như ít người gọi nó bằng cái tên cao sang nhưng lạ lẫm đó. Loa kèn - tiếng dân dã mà gợi lên cả hình hài của bông hoa, từ những cánh trắng mỏng tang, đến cái nhuỵ vàng thắm nổi bật trên nền lá xanh, một màu xanh dương rất đậm.



Cái loài hoa đến lạ! Chỉ rộ lên rồi chợt biến mất đúng một tháng trong năm khiến bao người tiếc nuối. E ấp, nhẹ nhàng, duyên dáng... nói thế nào nhỉ! Hoa loa kèn là loài "nữ tính" và dễ làm mềm lòng người nhất. Lâu rồi, người ta không còn gọi nó là hoa huệ tây như những ngày mới du nhập vào Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20. Giữa muôn sắc rực rỡ của bao loài hoa khác, loa kèn vẫn là loài nổi bật, có mặt trong hầu như mọi ngôi nhà, loa kèn ban phát cho không gian vẻ sang trọng, lãng mạn và thật thanh tao.



Tình yêu mình dành cho loài hoa này bắt nguồn từ khi mình được ngắm nhìn bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân được treo trang trọng trong phòng khách tại nhà cô bạn thân. Để bây giờ, mỗi khi ngắm mỗi cành hoa loa kèn đều khiến mình liên tưởng tới bóng hình của một người con gái kiêu sa, hiền thục đang cúi đầu e ấp, cầm trên tay là những búp hoa xanh dịu, lá xanh mảnh khảnh, từng nụ hoa khum khum, he hé một mầu trắng dịu dàng như còn ngần ngại! Có ai đó đã nói rằng: "Năm tháng qua đi, bao hình sắc nhạt nhòa, nhưng những nụ hoa loa kèn thì cứ trắng tin khôi, vẻ tinh khôi không thể che giấu hay bôi xóa...". Đẹp nhưng đến và đi nhanh như một cuộc tình lãng mạn, dịu êm nhưng vô cùng chóng vánh...





Loài hoa này còn gắn liền với bao kỷ niệm thời hai vợ chồng yêu nhau, để bây giờ mỗi khi có dịp xuống phố mà bắt gặp loài hoa này là hai vợ chồng lại cuống quýt mang về một bó và ôn lại những bài thơ chồng đã tặng vợ khi mỗi độ hoa loa kèn về.

Bàn tay trắng muốt em cầm
Một cành hoa nối mùa xuân - mùa hè
Mưa phùn vừa dứt, tiếng ve
Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây
Em đi, áo mỏng phô bày
Da thơm dịu thoáng giữa ngày dịu xanh
Mùa hoa đi vụt qua nhanh
Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm.

(Ngô Quân Miện)

-----***----
Em là hoa huệ trắng
Nở trong trái tim anh
Em là nghìn tia nắng
Soi đời anh ngọt lành


Em là những ước mơ
Mà anh hằng khát vọng
Em là một hồn thơ
Chứa chan đầy sức sống


Em là từng đợt sóng
Ôm ấp mạn tàu anh
Em là vì sao sáng
Soi màn đêm lung linh
Em là cây tùng xanh
Vươn cao trong bão tố
Em là chim mùa xuân
Bay vờn trên biển cả



Em là bông lan đá
Hương toả ngát núi rừng
Em là đồi cây dẻ
Trăng sáng ôm mông mênh


Em là dòng suối xanh
Những buổi chiều anh tắm
Em là ráng hoàng hôn
Những buổi chiều anh ngắm


Trong mắt em sâu thẳm
Anh thấy cả đất trời
Cách xa tình vẫn đẹp
Có phải không?

---***---
Ừ nhỉ!  Tháng tư
Hoa loa kèn loang trên phố
Màu trắng như nỗi nhớ
Tháng tư .

Ừ nhỉ !Đã tháng tư
Em không thích nàng Bân với vẻ dịu dàng diệu vợi
Đan cho cho chồng một mùa nông nổi
Một mùa bóng tối
Khi hết heo may

Ừ nhỉ !Tháng tư
Chút lạnh về trên nhánh gầy của loa kèn đầu vụ
Những bông hoa thành phố
Thiếu gió
Thiếu sương
Thật đáng thương.!

Em mang về nhà cả tháng tư
Những nhánh loa kèn oằn mình trên bình sứ
Nhụy vàng hay bụi phố?
Nửa thèm giá sương nửa khát nắng hanh

Ừ nhỉ tháng tư!
Sáng nay em cẩu thả
Tấm áo khoác bỏ quên trên mắc
Anh không mặc
Khi sông đầy gió
Tháng tư về
Còn lạnh không anh?

(Lê Mai Thao)

--- *** ----

Hoa loa kèn em cắm chờ anh
Anh không đến từng nụ hoa vẫn nở
Cứ hào phòng tỏa hương theo gió
Làm sao dồn bắt được mùi hương

Hoa loa kèn chẳng đợi được anh
Những cánh trắng xanh xao biết mình có lỗi
Em muốn khóc bởi không sao giữ nổi
Dăm nụ hoa trong e ấp dịu dàng


Hoa vô duyên hay là em vô duyên
Những chiếc loa không gọi được anh cứ lặng im chờ đợi
Nhưng em biết nếu chiều nay anh đến
Trong không gian vẫn còn chút hương thầm

--- *** ----

Nơi tháng Tư ở lại

Chỉ có mưa phùn là ở lại

Ẩm ướt chiều dâng một chút hương

Trời lại tháng Tư biêng biếc gió

Ta lại tháng Tư biêng biếc buồn

 

Đôi mắt loa kèn vừa hé mở

Một chiếc nhìn say cả một đời

Nếu biết tình yêu hương nhuỵ thế

Đã chẳng phai lòng đã chẳng nguôi


Mới hay cuộc tình như lữ khách

Tháng Tư ở lại với con đường

Nơi có hàng cây vừa đẻ gió

Hồi ức lên trời những chiếc hôn


------****---

Hoa Loa Kèn Tháng Tư

Một vệt trắng hình lưỡi mác
Trên nền xanh
Đổ gập xuống nỗi kinh ngạc
Hoa loa kèn,

Ngữ pháp lập thể của cây trombone thực vật
Thổi trong bóng chiều
Rung những sợi lông mi vàng óng
Bay qua khung cửa sổ,

Không có ai bên bàn
Trên tường không có bức phiên bản Tô Ngọc Vân
Không có cả tiếng khóc
Của chiếc lọ men rạn,

Phố vắng hút theo tiếng kèn siêu âm
Tôi là con ong lạc lối
Tìm câu chuyện cổ tích Andersen
Ngủ trong đoá hoa lớn của mùa hè,

Giấc mơ tháng Tư gọt từ đá
Trồi lên những vòm cửa gothic
Sao em dầy vò mãi hai bàn tay gầy guộc
Madonna Lily?

(Phan Đan)

----***-----

Tháng 4

Hà Nội ơi ! Tháng 4 về rồi đấy
Mây lững lờ trôi nhẹ những bâng khuâng
Áo em chùng chình trong cái rét nàng Bân
Như cơn gió khẽ mang tình yêu tới

Lạnh nhẹ nhàng thôi sao tim anh đập vội
Vẽ những giấc mơ, những ước muốn riêng ta
Xiết bàn tay em trong chiều mênh mông lạ
Lòng khẽ bổi hổi, bồi hồi thoáng hương xa
Em – tháng 4 - và ta
Chiếc lá cỏ ba của vòng tròn số phận
Dù có xa nhau thì sẽ còn vương vấn
Những nỗi nhớ thương sẽ giấu kín một đời
Có xa nhau cũng như gió mùa thôi
Năm qua năm, ngày lại ngày sẽ tới
Dẫu hạnh phúc, đắng cay còn chờ đợi
Cũng sẽ hẹn lòng giữa tháng 4 vời vợi
Được trở về trong cái rét nàng Bân
Được thỏa nỗi niềm, khao khát, ước mong
Được ôm gió, hôn mây và tình tự
Để ru lòng – cõi yêu thương người lãng tử
Hóa những mênh mông cho nỗi nhớ ngút ngàn…
Còn nhiều, còn nhiều lắm nhưng mà chỉ kịp ghi lại một vài bài để muốn nhắn gửi “Ai ơi, mùa loa kèn đến rồi mà vấn chưa có thời gian chở người ta xuống phố để mua hoa?”


Hoa loa kèn không thể thiếu trong góc làm việc của mình.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Chị bé bọng ơiiiii

Mẹ gọi chị ý là chị bé bọng vì điều đơn giản rằng chị ý thích mẹ gọi như thế và chị ý đúng nghĩa là chị “bé bọng” vì tuổi tác & hành động của chị dành cho em Nghé.

Chị bé bọng này chỉ hơn em Nghé có 20 tháng thôi nhưng mà chị luôn luôn được ông bà, ba mẹ, dì, cậu nhắc nhở rằng chị ý có một em gái nhỏ xinh để mà mình phải nhường nhịn, phải thương yêu và phải cưng chiều. Với mẹ, mẹ luôn hiểu rằng để mà chị hoàn thành được trách nhiệm lớn lao mà ba mẹ giao cho chị ý thì đôi khi thật là quá sức với đôi vai bé nhỏ của chị ấy. Vì vậy, lúc nào khi chị ấy không nhường đồ chơi cho em thì mẹ phải ra sức giải thích, giảng giải để mà mẹ luôn hy vọng vào một ngày thật đẹp trời thì chị ấy sẽ “mưa lâu thấm dần”. Thế rồi, ngày qua ngày, tháng qua tháng, cơm mẹ nuôi chẳng uổng tẹo nào, chị ấy đã làm cho ba mẹ hài lòng một cách mãn nguyện mà không có vàng, bạc, USD nào có thể mua nổi những hành động yêu thương ấy của chị dành cho ba mẹ, em Nghé.

Này nhé:

Khi đang chơi đồ chơi, Mun thì chơi bò sữa, Nghé thì chơi Thỏ Bông bỗng chốc con em lăn quay ra khóc nhễ nhại vì chị chơi bò hay quá, rồi thì:
Mẹ: Mun, con nhường cho em đi, nó chỉ chơi một tý là chán thôi mà
Mun: Mẹ ơi …. (hơi ngần ngừ trong giây lát)
Mẹ: Cho nó đi con … nhìn em khóc tội lắm mà
Mun: Đây .. chơi đi nhé … đừng có ngoặc cái miệng ra nhé .. cẩn thận không thì bị lồng ruột phải đi cấp cứu thì chết.
Mẹ: ………
------

Rồi một hôm khác:
Mẹ: Nghé hư lắm, hay khóc nhè, nín ngay đi không thì mẹ gọi con rắn màu xanh nhé
Nghé: Không … không … bắt đầu nước mắt rơi
Mun: Thôi thôi … chị thương … đừng khóc nhé
(rồi chạy ra tủ lấy một cái khăn lau bàn lau mặt cho em trước sự kinh hoàng không kịp trở tay của mẹ)
Mun: Thôi thôi, mẹ ơi đừng dọa nó không thì nó khóc đấy .. thương lắm.
Mẹ:



Lại hôm nữa:
Mun đang chơi xếp hình, bỗng chốc thì bị Nghé xông vào phá
Mun: Ba ơi, Nghé phá của con .. hu hu
Ba: Thôi con ah, Nghé đầu trọc hay phá đám lắm vì em nhỏ mà .. nhường em đi
Mun: Suy nghĩ một hồi, cúi gằm mặt xuống với đôi mắt ngân ngấn và quay ra nói khẽ “Đây… mày chơi đi, mày biết gì mà xếp với xếp … máy chỉ phá là giỏi thôi … thế rồi nguây nguẩy cái mông đi ra xuống nhà.
Ba: Quay mặt vào trong không dám cười to ….



------
Mun: Em ơi hai chị em mình chơi cô dâu chú rể nhé
Nghé: Nhe răng, gật đầu
Mun: Em không có tóc nên làm chú rể, chị làm cô dâu nhé
Nghé: Chẳng biết có hiểu gì không mà cười toe toét
Mẹ:




-----
Nghé được mẹ cho đi đón chị Mun ở Trường Mẫu giáo, Mun từ đằng xa thấy em đến đon đả giới thiệu với các bạn trong lớp: “Đây là Nghé, em của tớ đấy … tên em ấy là Hà My”.
Mun: Mẹ ơi, cho em ngồi con ngựa này này .. để con giữ em cho nào .. em có thích không?
Nghé: Có ah
Mun: Nào bạn này đi ra, để em tớ ngồi … không được quay nhanh thế thì em tớ ngã chổng vó lên trời thì sao?
Mẹ:





----
Hai chị em đi xe đạp chơi trước cửa nhà bà ngoại, bỗng nhiên gặp Linh (hàng xóm hơn Mun 04 tháng), Mun đon đả
Mun: Chị Linh ơi, lại đây chơi, em đèo nào
Linh: Để chị đèo Mun nhé
Mun: Không, để Mun chở, Linh không biết đi đâu, đi là hỏng xe của Mun đấy
Linh: Nhà chị cũng có xe màu xanh to lắm, cho chị đi với
Mun: Thế nhà chị có xe to thì chị bảo bà chị lấy cho mà chơi .. thôi em còn phải chở Nghé, không chở chị được đâu. Ah mà, từ sau chị phải gọi em là chị nhé
Mẹ: Thôi con cho chị Linh đi cùng đi, chơi thế là xấu lắm
Mun: Không ah, con còn bận chở Nghé, mai con chở chị Linh là hết xấu thôi mà. Mẹ yên tâm đi
Mẹ: 

Thế đấy, chuyện chị ý nói chuyện với em thì nhiều vô kể nhưng mẹ chỉ liệt kê chút xíu thôi để thấy là chị ấy đúng thật là chị bé bỏng của cả nhà rồi. Ba mẹ hâm mộ chị ấy quá cơ.

Yêu con nhiều.



Chị bé bọng đây cả nhà ah, chị ấy chẳng cao hơn em mấy nhưng mà nhận phần vác cái balo to hơn cả người đây này


Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Nghé iu 19 tháng 11 ngày roài

Nàng ý hôm nay cán đích 19 tháng 11 ngày rồi nhưng do dạo này mẹ bận xây nhà nên viết bản tổng kết 18 tháng qua của nàng hơi muộn cho những bước phát triển của nàng đây.

Về cân nặng và sức khỏe: Tình hình là rất tình hình, nàng ý cán đích trong tháng qua với dáng vẻ như cái chổi của mụ phủ thủy trong chuyện cổ tích cộng thêm tay chân của nàng ý biến mất hoàn toàn những ngấn tay, ngấn chân trước sự thở dài ngao ngán của mẹ. Nguyên nhân sâu xa của việc nàng xuống cân là do mẹ vì nàng bị buộc phải cai sữa cách đây 02 tháng do mẹ phải đi công tác ở Sing mất 01 tuần liên. Hệ quả tất yêu nữa là trong suốt mấy ngày cuối tháng thứ 18 và vài ngày mở hàng cho tháng thứ 19 này là một cơ số con virut xuất hiện tấn công nàng ý làm cho nàng ý ốm lăn ra và phải đi bác sỹ mặc cho mẹ ra sức huy động các váng sữa, phomai để vỗ béo cho nàng. Tuy nhiên, do dáng vẻ như cái chổi thế này thì cái bụng bé xíu thế kia thì làm gì có chỗ để mà chứa nhiều thế.

Về nhận biết: Tháng này là một tháng vượt bậc của nàng ý vì nàng ý đã phân biệt được các hình tròn, tam giác, trái tim, hình ngôi sao, vuông, chữ nhật, elip …..và thành thạo chơi xếp các hình vào đúng vị trí của nó mà không sai hình nào nhé. Ngoài ra, nàng ấy còn biết chơi xếp hình lego cùng chị Mun thành những ngôi nhà cao tầng (mặc cho ngôi nhà ấy toàn theo thiết kế trừu tượng hoặc siêu mỏng ….), hình bàn, ghế và luôn tự thưởng cho mình hàng vạn lời có cánh khi hoàn thành tác phẩm của mình như “Xinh thế”, “Đẹp tóa”, “Yêu tóa” hay đẳng cấp hơn là “siêu chưa” … ặc ặc … Ngoài ra, nàng ý vẫn có một thói quen thích đọc sách mặc dù chẳng biết từ nào ngoài hai chữ O, A  và đếm từ số 1 đến 10 (bỏ qua số 7).
Về màu sắc thì nàng ấy chưa được mẹ dạy nhiều dưng mà bỗng một hôm giời nắng đẹp thì nàng ấy chỉ vào mình đang mặc và nói “màu trím” trước sự ngưỡng mộ dạt dào của mẹ.

Về nói năng: Về khoản này thì nàng tiến bộ lắm vì nàng ấy nói được bốn từ liên tục nhé “mẹ Hà ơi bế chon”, “Ba ơi bế chon”, “ông ơi học bài”, “lên gác thôi”, “Mun ơi, dậy thôi .. sáng ồi”. Đôi khi thấy mẹ mặc váy đi làm là nàng ý sấp ngửa chạy lại “mẹ ơi xinh quá, đẹp quá” … thế thì ai mà không yêu cho được. Ngoài ra, khi nàng ấy buồn vệ sinh thì nàng ấy chun mũi chạy lại gọi “bà ơi ị thối .. thối thối .. đít đít (có nghĩa là bà ơi cháu ị thối rồi bà rửa cho cháu ý mà)” .. ha ha

Về đầu tóc, ăn mặc: Nàng ý tháng này đã biết điệu đàng nên chỉ thích được mặc váy thôi. Còn khoản tóc của nàng thì nhiều tóc tơ quá nên mẹ đã quyết định cắt cua cho nàng ý như mấy anh zai ý, trông ngộ lắm (do mẹ bận chưa chụp lại cho nàng ấy được, pose sau vậy).
Thế đấy, nàng ấy cán đích tháng thứ 18 rất nhiều tiến bộ và mẹ cầu mong cho những trận ốm của nàng sẽ qua đi như cơn gió thoảng để nàng lại bi bô chơi đùa.
Yêu nàng ấy quá nàng ấy ơi.




Ảnh này nàng ý lúc đầu tháng chưa có ốm lắm đây, pose tạm lên tổng kết cho nó ăn điểm cho nàng nhá.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Về quê dự Hội làng!

Năm nay, ba mẹ cho hai bé Mun và Nghé về quê nội ở ngoại thành Hà nội tham dự Lễ hội Đền Đầm Giếng.

Lễ hội Đền Đầm Giếng có nguồn gốc và lịch sử như thế này các con nhé:

Cung phi đệ nhị Nguyễn Thị Hồng, người được nhân dân tôn vinh là “Bà chúa ca trù", thờ tại đền Đầm Giếng nằm giữa cánh đồng làng Đại Phú, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Theo thần phả và dân gian truyền lại, đời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) ở Thượng Mỗ có người con gái là Nguyễn Thị Hồng, vốn là con nhà gia thế dòng họ Nguyễn Duy, lại giỏi thơ ca, hay nghề đàn hát, nhất ca trù, một lối hát cung đình thanh tao, quý phái. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi cầm ca nên nổi tiếng khắp vùng, nhân dân ngưỡng mộ.
Tiếng đồn bay đến kinh đô, nhà vua liền du ngoạn và ngự giá ở Thượng Mỗ. Được mắt thấy tai nghe, một cô thôn nữ đẹp như bông sen nở bên hồ, lại có giọng hát hay như chim hót, khẩu khí ứng đối trôi chảy như một trang kiệt nữ, sánh với bậc kỳ tài… nhà vua liền đón về cung và phong làm cung phong làm phi đệ nhị, phụ trách lễ nhạc cung đình, chuyên dạy hát ca trù phục vụ những cuộc đại lễ.
Sống ở nơi đài các, nhưng Cung phi luôn nhớ tới quê hương bản quán. Khi lâm bệnh, bà ước nguyện được về nơi quê cha đất tổ, lúc mất được hoà trong cảnh gió nội hương đồng. Cảm kích trước công lao và đức hạnh của Cung phi, khi bà mất, nhà vua đã cử hành tang lễ trọng thể và đưa thi hài của bà về cánh đồng làng Thượng Mỗ. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên Đầm Giếng, gần khu Mả Vương. Lăng mộ tuy không còn dấu tích nhưng đền thờ còn tồn tại đến ngày nay. Làng Đại Phú còn được gọi là làng “Nhà trò”.
Đền Đầm Giếng xưa là một am nhỏ, phía sau đền có cây bàng cổ thụ xoè tán che mát như một chiếc lọng lớn, xung quanh cây cối um tùm, chim kêu ríu rít. Nay, đền được tôn tạo nhiều lần, nay có đủ nghi môn, tiền tế, đại bái và hậu cung.








    Phía trong đền có tượng Đức bà sáng mặt, đôn hậu, lịch lãm.





    Bức hoành phi ghi bốn chữ “Kim chi ngọc diệp” (tức là cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời Lê Chính Hòa (1702).


     

    Nhiều câu đối ngợi ca công đức của bà: “Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt”.

    Photobucket




    Hàng năm, cứ đến ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch, ngày giỗ của Cung phi Hoàng Hậu Đức Mẫu Bà, nhân dân tổ chức lễ trọng. Bài văn tế “Đệ nhị cung phi hoàng hậu” được lưu trữ cẩn thận cùng với cuốn ngọc phả ghi công đức của bà. Sau phần lễ, đều có hát ca trù. Nhiều giáo phường ca trù nổi tiếng ở Hà Tây, Hà Nội về hát “Hầu Bà chúa của ca trù”.










    Kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, dòng họ Nguyễn Duy ở Thượng Mỗ vẫn luôn giữ gìn nghiệp tổ. Nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền, người hát ca trù đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam sinh ra từ đất Thượng Mỗ. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Tam có ba, bốn thế hệ nối tiếp hát ca trù phục vụ nhân dân địa phương, tham gia liên hoan nghệ thuật được tặng nhiều huy chương vàng, bạc…

    Xã Thượng Mỗ đã thành lập câu lạc bộ ca trù để duy trì và phát huy vốn văn nghệ dân gian quý giá, xứng với quê hương của “Bà chúa ca trù”. Câu lạc bộ đã được Hội văn nghệ dân gia Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian.

    Chùm ảnh các con lần đầu tiên đượctham dự lễ hội này cùng ba mẹ:


    Cả nhà váy áo lên đường về quê nội dự Hội làng này





    Về đến nhà là hai chị như chim sổ lồng chạy nhảy khắp sân trong ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít của ông bà nội với bao nhiêu là cây cảnh, sáo nâu, sáo đá, vẹt ... và một chú mèo lười nằm trong bếp không chịu ra chụp ảnh cùng hai bạn nhỏ



    ..............được tung tăng nghịch ngợm

    .... được tạo dáng suy tư


    ...... được lăn lê bò toài vì đã có ômô không sợ vết bẩn ...



    ........ được chờ đợi bà nội đi chợ về


    ..... được lè lười trêu ghẹo nhau .......


    ..... và phụng phịu vì bà nội đi chợ mãi chưa về



    .... để rồi được chia quà bành khi bà đi chợ về ...............



    ... cùng nhau pose hình làm kỷ niệm



    .... để rồi tiếng cười khanh khách trong veo ....

    Cùng nhau trẩy hội làng nào ....

    .... đắm đuối nghe hát quan họ mặc cho các bạn bé tý hon này vẫn chưa hiểu hết ca từ


    .... nhìn ngắm các loài hoa đồng nội



    Để rồi đi về cũng là lúc có kẻ thì háo hức thu được thành quả, có kẻ thì ngủ gục êm đềm bên bờ vai rộng lớn của ba.
    Tháng 3 Năm Tân Mão